Sous Chef là Bếp phó trong khu bếp nhà hàng, khách sạn, là người có quyền lực thứ hai sau Bếp trưởng. Cùng tìm hiểu thêm về vị trí này qua bài viết dưới đây.
Khu bếp mỗi nhà hàng, khách sạn luôn bao gồm nhiều vị trí khác nhau, mỗi vị trí sẽ đảm nhận những công việc riêng, phối hợp cùng nhau để cho ra món ăn ngon theo yêu cầu của thực khách. Trong đó, Bếp phó là một vị trí khá quan trọng, cũng là cấp bậc mà bất cứ ai theo nghề Bếp đều mơ ước đạt được.
Mục Lục
Sous Chef là gì?
Sous Chef có tên đầy đủ Sous-chef de cuisine là Bếp phó trong khu bếp, là cánh tay phải của Bếp trưởng, hỗ trợ Bếp trưởng các công việc như lên thực đơn, đặt kế hoạch chi tiêu và đặt hàng,… Khi Bếp trưởng đi vắng, mọi quyền lực trong khu bếp đều sẽ được trao cho Bếp phó, Bếp phó sẽ thay Bếp trưởng điều hành, quản lý mọi công việc.
Tại các nhà hàng, khách sạn lớn luôn có nhiều hơn một Bếp phó và mỗi người sẽ chịu trách nhiệm một bộ phận, một khu vực riêng biệt.
Nếu Bếp trưởng là người quyền lực nhất trong khu Bếp thì Bếp phó là người có tầm ảnh hưởng thứ hai, chỉ sau Bếp trưởng. Hiện nay, mức thu nhập của một Bếp phó nằm trong khoảng 10 – 14 triệu/ tháng, chưa kể các khoản phụ cấp khác và tùy nơi làm việc. Đó cũng là lí do vì sao Bếp Phó luôn là vị trí, là mục tiêu mà bất cứ ai khi đặt chân vào ngành Bếp cũng đều mong muốn đạt được.
Công việc của Sous Chef là gì?
Phối hợp điều hành bộ phận Bếp
- Lên kế hoạch, sắp xếp lịch làm việc cho bộ phận dựa vào tình hình kinh doanh, số lượng tiệc đã nhận.
- Phân công việc cho các Trưởng ca và Nhân viên.
- Giám sát mọi hoạt động của bộ phận Bếp theo các tiêu chuẩn của nhà hàng, khách sạn.
- Phối hợp chặt chẽ với các Giám sát bếp, Quản lý nhà hàng để mang đến chất lượng món ăn, chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Chế biến món ăn
- Phụ trách chế biến món ăn khi có yêu cầu.
- Tiếp nhận các yêu cầu gọi món đặc biệt của thực khách và điều hành, triển khai hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
- Phối hợp với Bếp trưởng và các vị trí có liên quan để lên menu, đề xuất menu mới, menu chương trình khuyến mãi cho nhà hàng.
- Hỗ trợ Bếp trưởng định lượng nguyên liệu, công thức món ăn, hình ảnh và định giá món ăn cho nhà hàng sao cho phù hợp giá thị trường mà vẫn mang về lợi nhuận và khiến thực khách hài lòng.
Tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới
- Hỗ trợ Bếp trưởng lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự để đảm bảo các hoạt động của bộ phận Bếp.
- Tham gia tuyển chọn nhân sự.
- Tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên bộ phận Bếp: Demi Chef, Comis.
Thực hiện các công việc khác
- Quản lý trang thiết bị trong bếp, đề xuất thay mới, sửa chữa khi có hư hỏng.
- Thường xuyên kiểm tra kho bảo quản nguyên liệu, đảm bảo nguyên vật liệu an toàn trước khi chế biến món ăn.
- Xử lý các sự cố trong nhà hàng liên quan đến chất lượng món ăn.
- Tư vấn món ăn, giải thích cho thực khách hàng khi có yêu cầu.
- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của cấp trên.
Kỹ Năng Cần Có Của Một Sous Chef
Với khối lượng công việc trên, để trở thành một Bếp phó chuyên nghiệp và hoàn thành tốt mọi công việc, bạn phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Có Kỹ năng chuyên môn, kiến thức về ẩm thực
- Có kỹ năng quản lý nhân sự, điều hành công việc.
- Có khẩu vị nhạy bén, cảm giác về món ăn một cách chuẩn xác để đảm bảo cho ra các món ăn ngon phục vụ thực khách.
- Am hiểu các kiến thức về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Có kinh nghiệm nấu ăn, thành thạo các công thức chế biến món ăn.
- Hiểu tâm lý khách hàng
- Có óc sáng tạo, siêng năng, cẩn thận,…
Đó là một số thông tin về Sous Chef là gì mà bạn có thể tham khảo để hiểu hơn về vị trí này. Mỗi vị trí trong khu vực Bếp đều có những nhiệm vụ, vai trò và ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, để thăng tiến lên vị trí Bếp phó thì cần rất nhiều kinh nghiệm cũng như sự nỗ lực vượt bậc mà bạn cần trải nghiệm ở vị trí Chef De Partie đó.