Thế giới dao của Đầu bếp rất đa dạng và phong phú: Dao tỉa, dao đa năng, dao bánh mì, dao lọc xương, dao khắc, dao phay, dao inox, dao thép bằng, dao thép cacbon… Tùy vào từng nguyên liệu, món ăn chế biến mà Đầu bếp sẽ sử dụng loại dao phù hợp. Cùng Vieclamdaubep.vn khám phá các loại dao ngay bây giờ.
Đối với Đầu bếp, con dao là “bạn đồng hành” không thể thiếu – Ảnh: Internet
“Đầu bếp thiếu dao chẳng khác nào đi sa trường mà quên mang súng”, một Đầu bếp hài hước chia sẻ. Không nói thì bạn cũng biết mỗi ngày Đầu bếp gắn bó mật thiết như thế nào với dao và bếp lửa. Để hoàn thiện món ăn tốt nhất, các Đầu bếp sẽ sử dụng loại dao phù hợp.
Phân chia dao theo công dụng
Chef’s knife – Dao đầu bếp
Là loại dao được các Đầu bếp chuyên nghiệp hàng ngày thường xuyên sử dụng bởi chúng có thể chặt xương, cắt/ thái, băm thịt… Chef’s knife thường có độ dài từ 15 – 30cm. Để thoải mái khi sử dụng, các Đầu bếp nên cầm thử trước khi quyết định mua hay không.
Paring knife – Dao tỉa
Với những thao tác vừa cần sự tỉ mỉ vừa nhanh gọn, dứt khoát cao như tỉa rau củ quả thì Paring knife là lựa chọn hoàn hảo với các nhân viên Đầu bếp. Dao này thường có độ dài tiêu chuẩn từ 6 – 10cm. Vì được dùng để cắt tỉa các hình dạng có độ chi tiết mang tính thẩm mỹ nên Đầu bếp cần cẩn thận khi sử dụng, phải thật nhịp nhàng nếu không rất dễ bị đứt tay.
Dao tỉa giúp Đầu bếp có được tính thẩm mỹ theo mong muốn – Ảnh: Internet
Utility knife – Dao đa năng
Utility knife nhỏ hơn Chef’s knife nhưng lớn hơn dao tỉa, có độ dài tiêu chuẩn từ 10 – 18cm, thường dùng để cắt thái các loại thực phẩm có kích thước vừa và không quá cứng.
Carving knife – Dao khắc
Carving knife thường có chóp nhọn hoặc mũi tròn, lưỡi dao dài, độ dài tiêu chuẩn khoảng 20 – 38cm. Các Đầu bếp thường dùng chúng để lọc phần thịt ra khỏi phần xương, thái các loại thịt đã chín.
Bread knife – Dao bánh mì
Tại các nhà hàng Âu và nhất là Đầu bếp bánh, Bread knife là dụng cụ không thể thiếu, chúng thường có độ dài từ 15 – 26cm. Lưỡi sao có răng cửa giúp Đầu bếp bánh cắt lớp vỏ bánh mì dễ dàng mà không làm cho chúng bị nát hay vỡ kết cấu.
Chopping knife – Dao chặt hay dao phay
Các Đầu bếp Á thường xuyên sử dụng loại dao này để chặt xương, thái hoặc băm thịt. Lưỡi của Chopping knife khá dày và nặng, phần sống dao hơi cong lên một chút giúp cho việc chặt xương dễ dàng hơn.
Boning knife – Dao lọc xương
Chúng còn có tên gọi khác là dao phi lê, có nhiệm vụ chính là lọc xương cá, lọc tách phần thịt gia cầm khỏi xương mà không làm cho thịt bị vỡ nát. Lưỡi dao Boning knife hơi cong lên, thanh mảnh và sắc bén, để các Đầu bếp thuận tiện sử dụng.
Chất liệu ảnh hưởng rất nhiều tới độ bền của dao – Ảnh: Internet
Phân chia dao theo chất liệu
Dao inox
Có độ bóng tốt, sắc bén và giá cả phải chăng nên các loại dao được làm từ inox rất thông dụng và hầu như chúng có mặt ở hầu hết bất kỳ gian bếp nào tại nhà hàng, khách sạn. Nhược điểm của dao inox chính là chúng cũng hay dễ bị mòn nên cần được mài thường xuyên.
Dao thép rèn
Được làm bằng kỹ thuật rèn bằng một khối thép đặc nên lưỡi và chuôi của loại dao này sẽ liền thành một mảnh với nhau. Điều đó giúp Đầu bếp loại bỏ được tai nạn về lưỡi dao rơi ra khỏi cán nhưng thường không tạo được cảm giác chắc chắn khi cầm.
Dao thép cacbon
Đặc tính của thép cacbon là không gỉ sét nên lưỡi của loại dao này được đánh giá là sắc và mịn. Dù mài thường xuyên thì dao vẫn giữ được độ sắc bén nên tại các bếp ở nhà hàng, khách sạn cao cấp, người ta thường trang bị dao thép cacbon. Có lẽ điểm trừ duy nhất của dao chính là giá thành cao.
Dao thép cắt
Chúng cũng được cắt ra từ một miếng thép không gỉ sét nhưng chúng không có được sự chắc chắn như dao thép cacbon. Giá thành thấp hơn đã giúp loại dao này trở nên thông dụng và ngày càng được ưa chuộng.
Hy vọng qua thông tin mà vieclamdaubep.vn chia sẻ trên đây, bạn đã hiểu hơn về các loại dao để lựa chọn “người đồng hành” phù hợp nhất trong căn bếp.